Doanh nghiệp bán lẻ giữa tâm dịch, “gánh lỗ” phục vụ hàng thiết yếu?

Việc số ca F0 tăng cùng với những giải pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh khiến nguồn cung hàng hoá thiết yếu tại các siêu thị TP.HCM trở nên hạn chế hơn, giá cả có nhiều biến động.

Sau những lùm xùm liên quan đến chất lượng phục vụ, việc niêm yết giá một đằng, bán một lẻo khiến quản lý thị trường phải xử phạt, đối diện với làn sóng tẩy chay tại một số cửa hàng, chuỗi Bách Hoá Xanh của Thế Giới Di Động (mã MWG) thời gian gần đây đã có sự cải thiện đáng kể.

Tháng 7, Bách Hoá Xanh đã ghi nhận doanh thu kỷ lục với gần 4.240 tỷ đồng, tăng 55% so với tháng 6 và tăng 133% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu trung bình mỗi cửa hàng đạt hơn 2,1 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Luỹ kế 7 tháng đầu năm 2021, Bách Hoá Xanh đã ghi nhận doanh thu hơn 17.600 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ.

Doanh thu tăng đột biến nhưng Bách Hoá Xanh cũng ghi nhận biên lợi nhuận gộp giảm so với tháng 6/2021 điều này xuất phát từ nguyên nhân nguồn cung hàng hoá và cách thức cung ứng hàng hoá thay đổi dẫn đến chi phí mới phát sinh.

Việc niêm yết giá và giá bán khác nhau tại một số cửa hàng Bách Hoá Xanh khiến Bách Hoá Xanh bị xử phạt thời gian vừa qua được ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc Thế Giới Di Động lý giải do giá cập nhật phụ thuộc vào nhân viên bán hàng, việc thay giá đối với 5.000 hạng mục là rất khó và Bách Hoá Xanh xử lý tạm thời bằng cách thay thế bằng các bảng giá lớn và sẽ sử dụng bản giá điện tử vào năm sau quán triệt việc sau tem giá.

Với thực trạng hàng hết hạn vẫn được bày bán, ông Hiểu Em cho biết, khi siêu thị kinh doanh ngày càng nhiều hàng việc này cũng dễ xảy ra, thời gian vừa qua do quá tập trung vào việc khác nên đã để xảy ra sai sót và Bách Hoá Xanh đổi trả với hàng hết hạn.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG cho biết, tháng vừa qua Bách Hoá Xanh có gặp vấn đề về chất lượng phục vụ nhưng quan điểm của lãnh đạo là Bách Hoá Xanh chưa đạt đến thị phần lớn như Điện Máy Xanh nên việc làm tốt hay không mới đáng ăn thua. “Tôi không có quá nhiều cảm xúc rối loạn trong giai đoạn sự cố vừa qua, mình cứ làm tốt tự tin sẽ có kết quả, đơn cử doanh thu vẫn tăng”, ông Tài nói.

Bán dưới giá thành, sẽ tiếp tục giảm giá

Theo thông tin từ đại diện Saigon Co.op, thời gian vừa qua kể từ khi dịch bùng phát hệ thống bán lẻ này thậm chí bù lỗ để giữ giá và giảm giá hàng hoá. Thống kê của hệ thống siêu thị này cho thấy, người dân chủ yếu mua thực phẩm tươi sống, hơn 75% trong khi đây là ngành hàng có tỷ lệ lợi nhuận thấp nhất trong tất cả các ngành hàng và nhóm hàng này siêu thị cũng đang bù lỗ để tìm gom nguồn hàng, vận tải, kiểm dịch…

Mặt hàng được siêu thị bù lỗ giữ giá điển hình nhất là trứng gà, có thời điểm giá bán ra của siêu thị thấp hơn giá mua vào.

Cùng với yếu tố hàng hoá, hàng loạt chi phí đặc thù phát sinh như chi phí xét nghiệm nhanh và chuyên sâu liên tục cho nhân viên, phí giao hàng tăng cao và nhiều cửa hàng của chuỗi phải đóng cửa khi xuất hiện ca mới khiến doanh thu không ổn định, các nguồn thu sụt giảm nghiêm trọng.

Saigon Co.op cho biết, trong các tháng cao điểm tiếp theo hệ thống siêu thị này sẽ giữ và giảm giá hàng hoá, chuẩn bị tốt các nguồn hàng hoá thiết yếu để phục vụ nhu cầu của người dân.

Sáng 21/8, thông tin với báo chí, ông Pham Văn Mãi, Phó bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM cho biết, thành phố khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo cung ứng hàng hoá, nhu yếu phẩm cho người dân trong giai đoạn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tăng cường, nâng cao. Sáng cùng ngày, người dân trên địa bàn TP.HCM đã đổ ra các siêu thị để mua sắm, tích trữ hàng hoá.
Theo Nhịp Sống Doanh Nghiệp/Huyền Trâm