Người lao động (NLĐ) tự do khi tham gia BHXH tự nguyện vẫn có thể được hưởng lương hưu theo quy định nếu đủ điều kiện về số tuổi và số năm đóng BHXH.
Để hưởng lương hưu, người tham gia BHXH cần đáp ứng đủ 2 điều kiện về số tuổi và số năm đóng BHXH.
Theo Điều 73 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (sửa đổi bởi Điểm c Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019), người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi:
– Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019.
Cụ thể, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng với lao động nữ. Như vậy, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong năm 2022, trong điều kiện bình thường, lao động nam phải đủ 60 tuổi 6 tháng và lao động nữ phải đủ 55 tuổi 8 tháng.
– Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
Đối với trường hợp đã đủ điều kiện về tuổi theo quy định trên nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì NLĐ được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Cách tính lương hưu cho người tham gia BHXH tự nguyện
Công thức tính lương hưu hàng tháng dựa vào Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng lương hưu * Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH
– Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng là 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%, mức tối đa là 75%. Số năm đóng BHXH từ năm 2022 trở đi là 20 năm.
– Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH được tính bằng bình quân mức thu nhập các tháng đã đóng BHXH trong toàn bộ thời gian đóng. Thu nhập tháng đã đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm do Tổng cục Thông kê công bố hàng năm.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 108 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hồ sơ hưởng lương hưu đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm sổ BHXH và đơn đề nghị hưởng lương hưu.