Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về lòng yêu dân và vì dân. Với nhân dân, Người ân cần, gần gũi, tôn trọng, khiêm nhường, yêu quý, lắng nghe giống như một người cha, người bác ấm áp trong gia đình. Người đau nỗi đau của nhân dân, buồn vì nỗi buồn của nhân dân, chia vui cùng niềm vui của nhân dân nhưng bao giờ cũng ý thức chịu khổ trước dân, hưởng vui sướng sau dân. Người luôn nêu cao đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đây là những phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là 4 đức không thể thiếu để thành người.
Thế kỷ XXI đã chứng kiến những bước chuyển mình vượt bậc của nền kinh tế nước nhà. Với vị thế là một trong bốn doanh nghiệp đứng đầu về giá trị trong danh sách 25 thương hiệu tài chính dẫn đầu Việt Nam do Forbes Việt Nam công bố, Đảng bộ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) luôn chú trọng công tác bồi dưỡng cán bộ, đảng viên học tập, sống và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đặc biệt là không ngừng tu dưỡng các phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong công tác ngân hàng. Thấm nhuần đường lối chỉ đạo của Đảng bộ Vietcombank, chị Nguyễn Thu Giang – cán bộ PGD Lê Trọng Tấn – Chi bộ 11 – chi nhánh Sở giao dịch đã có một bài luận đúc rút những suy ngẫm tâm huyết về 8 chữ vàng, 4 đức tính không thể thiếu này đối với một cán bộ ngân hàng. Chúng tôi xin trích đăng nguyên văn bài viết để quý vị tham khảo.
Đại hội đại biểu Đảng bộ Vietcombank Sở giao dịch lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025.
Cán bộ Vietcombank học tập tấm gương đạo đức của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, khắc ghi 8 chữ vàng Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí Công Vô Tư trong công tác ngân hàng
“Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta
Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa
Chỉ biết quên mình cho tất thảy
Như dòng sông chảy nặng phù sa”
Cả cuộc đời của Bác Hồ – vị cha già dân tộc – đã hy sinh vì dân, vì nước, không một phút nào nghĩ riêng cho bản thân mình. Kể từ giây phút người thanh niên Nguyễn Ái Quốc hai bàn tay trắng bước chân xuống con tàu viễn dương sang Pháp, đi tìm đường cứu nước cho đến khi Người về với “ Mác – Lê nin, thế giới người hiền”, Người đã sống một cuộc đời vĩ đại với 4 đức tính: cần, kiệm, liêm, chính, tinh thần chí công, vô tư. Người luôn tự rèn luyện, tranh đấu và không ngừng tu dưỡng bản thân dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đối với Bác: “ Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm sỉ, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”.
Trong mọi lĩnh vực, ngành nghề của đất nước, Bác dành sự quan tâm đặc biệt đến ngành ngân hàng. Xin hồi tưởng lại câu chuyện diễn ra tại Bàn tiết kiệm – Nhà máy Dệt Nam Định năm 1962 để hiểu rõ hơn về 4 đức tính cao quý đã thấm nhuần trong tâm hồn, tư tưởng, lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với mỗi nhân viên ngân hàng, đây là câu chuyện mà chúng tôi luôn ghi nhớ.
CÂU CHUYỆN VỀ TIỀN GỬI TIẾT KIỆM TẠI NHÀ MÁY DỆT NAM ĐỊNH : Câu chuyện nhỏ – Bài học lớn.
Trong cuộc đời của mình, Bác Hồ rất nhiều lần tới thăm, nói chuyện với các cán bộ, công nhân Nhà máy dệt Nam Định. Trong đó, với riêng các cán bộ Quỹ tiết kiệm của nhà máy, cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với Hồ Chủ tịch đã trở thành một bài học gợi mở sâu sắc giúp thay đổi tư duy của người cán bộ ngân hàng thời chiến lúc bấy giờ.
Câu chuyện được kể lại bởi đồng chí Đoàn Duy Bảo – người có vinh dự được trực tiếp diện kiến và lắng nghe lời dạy của Bác.
Bác Hồ thăm nhà máy dệt Nam Định.
Bác Hồ cùng đoàn cán bộ đi tới một chiếc bàn đặt trong trong nhà máy Dệt Nam Định. Bác ân cần hỏi:
– Các cô, chú làm gì đấy?
Đồng chí Đoàn Duy Bảo đứng lên thưa:
– Dạ thưa Bác, đây là bàn tiết kiệm của ngân hàng đặt tại nhà máy.
Bác cầm một quyển sổ lên, hỏi.
– Nhà máy có bao nhiêu người gửi tiền tiết kiệm?
Anh Bảo thưa:
– Dạ, có tám mươi phần trăm người gửi ạ.
Bác gặng:
– Thế còn hai mươi phần trăm nữa thì sao?
Anh Bảo báo cáo:
– Dạ, do hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Thấy các cán bộ ngân hàng trả lời chưa đúng vào câu hỏi có lẽ là khó, Bác tìm hiểu sang vấn đề khác.
– Mỗi lần được gửi bao nhiêu?
– Dạ, gửi từ một đồng trở lên ạ.
Bác nói:
– Thế Bác có một hào, có gửi được không?
Câu hỏi bỏ ngỏ của Bác tưởng như đơn giản nhưng thực ra lại ẩn chứa một lời chỉ dẫn, một hướng gợi mở rất lớn cho ngành ngân hàng lúc bấy giờ. Lời Bác muốn nhắc nhở các cán bộ ngân hàng luôn ghi nhớ: Ngân hàng nhà nước là ngân hàng của dân, do dân, vì dân nên trước hết phải giúp đỡ dân, giúp đỡ người nghèo có vốn, để làm kinh tế; ví dụ như phải sẵn sàng nhận tiền gửi tiết kiệm của nhân dân, dù là số tiền gửi rất ít ỏi.
Ngành ngân hàng trong thời kỳ khó khăn của đất nước đã có những bước thay đổi đáng kể từ lời nhắc nhở ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không ngừng suy nghĩ, sáng tạo, đổi mới để phục vụ nhân dân chính là tâm nguyện mà Bác luôn nhắc đi, nhắc lại trong mọi hoàn cảnh.
Không chỉ dừng lại ở việc giáo dục ý thức phục vụ tận tụy, tận tâm cho ngành ngân hàng, Bác Hồ còn rất quan tâm đến đạo đức cách mạng của cán bộ, chiến sĩ ngân hàng. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ tài chính ngày 20/02/1952, Bác đã viết: “Chúng ta cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách. Đồng thời phải trau dồi đạo đức cách mệnh: chí công vô tư, cần, kiệm, liêm, chính. Một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến. Dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình, để tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu, để cùng nhau tiến bộ. Chiến sĩ ta liên tiếp thắng giặc ngoài mặt trận. Tôi mong rằng: Các chú là chiến sĩ kinh tế tài chính ở hậu phương, cũng cố gắng thi đua sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, vượt mọi khó khǎn, làm cho mặt trận kinh tế – tài chính của ta cũng thắng lợi như mặt trận quân sự”.
ĐẢNG BỘ VIETCOMBANK THẤM NHUẦN TƯ TƯỞNG CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH, CHÍ CÔNG VÔ TƯ CỦA BÁC HỒ
Đảng bộ Vietcombank kể từ khi ra đời đến nay đều không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đặc biệt là bài học về đạo đức cán bộ ngân hàng và tinh thần phụng sự Tổ Quốc, phụng sự nhân dân của Hồ Chủ tịch.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến đạo đức cách mạng của cán bộ Ngân hàng. Bác đào tạo các chiến sĩ cách mạng không chỉ bằng chiến lược, sách lược mà còn bằng chính tấm gương đạo đức trong sáng của mình. Khi đánh giá vai trò của đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh coi đạo đức là nền tảng của người cách mạng, cũng như gốc của cây ngọn nguồn của sông suối. Thêm vào đó, trong Di chúc để lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều khắc cốt ghi tâm lời dạy của Bác Hồ.
Tại Vietcombank, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều khắc cốt ghi tâm lời dạy của Bác Hồ là: Phải “Cần – Kiệm – Liêm – Chính – Chí công vô tư; Phải giúp đỡ dân, giúp đỡ người nghèo có vốn, để làm kinh tế; Áp dụng triệt để tư tưởng phụng sự Tổ Quốc, phụng sự Nhân dân vào phong cách phục vụ khách hàng”.
Đảng bộ Vietcombank luôn quán triệt và nhắc nhở mỗi đảng viên cần cụ thể hóa lời dạy của Bác thành những phẩm chất đạo đức, những đức tính cần thiết đối với từng vị trí công tác, trong từng giai đoạn cụ thể, để nêu cao phẩm chất đạo đức trong việc triển khai, xử lý và thực thi công việc.
Vận dụng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn công tác tín dụng thể nhân tại Chi bộ 11, Đảng bộ Vietcombank chi nhánh Sở Giao dịch, tôi tự đúc kết cho mình nhiều bài học sâu sắc như sau:
“Cần” là cần cù lao động, tích cực trong công việc được giao, mang lại hiệu quả cao trong công việc mình đảm nhiệm. Đây là yêu cầu không thể thiếu trong điều kiện kinh tế thị trường, nhất là đối với cán bộ ngân hàng trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng và hội nhập quốc tế.
“Kiệm” là tiết kiệm thời gian, tiền bạc, tránh xa hoa, lãng phí của cải vật chất và tinh thần, đấu tranh với lối sống gấp, sự xa xỉ, lãng phí chạy theo thị hiếu không lành mạnh.
“Liêm” là liêm khiết, không tham của cải vật chất và địa vị, vì cán bộ ngân hàng quản lý tiền của, nếu không liêm khiết, lại tham lam của cải, vật chất, tham ô, hối lộ, tư lợi bất minh… thì sẽ mang lại hậu quả khó lường trong việc thực thi nhiệm vụ và ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, hình ảnh của cơ quan.
“Chính” là thẳng thắn, trung thực, luôn đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, lên án những cái sai trái. Cán bộ ngân hàng không vì lợi nhuận mà chấp nhận làm những việc không đúng quy định, mà dù trong hoàn cảnh nào, cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành và thực thi nhiệm vụ một cách đúng mực.
“Chí công” là công bằng, công tâm; “Vô tư” là không được có lòng riêng, thiên tư đối với người, với việc. “Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Muốn chí công vô tư thì phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân. Có chí công, vô tư thì mới không vị kỷ, không vì lợi ích cá nhân, đầu óc mới tỉnh táo, sáng suốt, không tham tiền tài, địa vị, danh vọng. Lúc đó, mọi việc làm mới công tâm, khách quan.
“Cần, kiệm, liêm, chính” có quan hệ chặt chẽ với nhau và với “chí công, vô tư”. “Cần, kiệm, liêm, chính” sẽ dẫn đến “chí công, vô tư”. Ngược lại, đã “chí công, vô tư”, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng thì nhất định sẽ thực hiện được “cần, kiệm, liêm, chính”.
Theo đó, với sứ mệnh của người Đảng viên phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, mỗi cán bộ tín dụng Vietcombank không nề hà khó khăn, vất vả để phục vụ khách hàng, cho dù là khách hàng thân thiết, khách hàng VIP hay khách hàng mới giao dịch lần đầu; khách hàng vay số tiền lớn hay khách hàng chỉ vay 1 vài món nhỏ lẻ với số tiền ít ỏi cũng phải nhận được sự phục vụ cung kính như nhau. Có như vậy mới thực hiện đúng tinh thần phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, giúp dân nghèo làm kinh tế như câu chuyện mà Bác Hồ nhắn gửi tại Quỹ Tiết kiệm Nhà máy dệt Nam Định năm nào.
Có câu “góp gió thành bão”. Mỗi cán bộ tín dụng thể nhân như chú ong chăm chỉ, cần mẫn gặt hái từng món vay từ nhỏ đến vừa, từ bé tới to sao cho đầy túi “chỉ tiêu”, không quản ngại khó khăn vất vả bám sàn bất động sản, bám dự án chung cư, bám địa bàn kinh doanh… để từng bước hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh.
Với mỗi giao dịch tín dụng thành công, với mỗi hợp đồng vay vốn được ký kết, trong lòng các cán bộ, đảng viên khách hàng thể nhân chúng tôi lại nhen lên ngọn lửa ấm áp và tự hào vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng, cơ quan giao phó: trực tiếp bắc những nhịp cầu dẫn dòng vốn từ ngân hàng lưu thông vào nền kinh tế, giúp cho bao gia đình đang thiếu hụt tài chính có cơ hội phát triển kinh doanh làm giàu cho cá nhân, cho đất nước, có cơ hội mua đất, tậu nhà để an cư lạc nghiệp và “xây tổ ấm – sống cuộc đời trọn vẹn”.
Viết đến đây, lòng tôi trào dâng niềm tự hào và tôn kính Hồ Chủ Tịch – vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam. Bên tai tôi còn văng vẳng khúc ca của giai điệu đi cùng năm tháng, như 1 lời hứa khắc cốt ghi tâm, nguyện phụng sự và cống hiến cho sự nghiệp Ngân hàng, kiên trì học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh:
“Nghiêm trang trong nắng Ba Đình
Hoa thơm ngát trời Thủ Đô
Chúng con nguyện hứa với Người
Sắt son vì Tổ quốc hy sinh
Bảo vệ nước non đời đời sáng tươi”.
Tác giả Nguyễn Thu Giang
(Tái bút: Bài viết có sử dụng tư liệu về câu chuyện Bác Hồ thăm Quỹ tiết kiệm XHCN tại Nhà máy Dệt Nam Định, năm 1962 và Bài hát “Chúng con canh giấc ngủ cho Người” của tác giả Nguyễn Đăng Nước).