Gia Lai: Đăng tải thông tin, hình ảnh sai sự thật trên mạng xã hội, cần chính quyền xử lý nghiêm

Lợi dụng mạng xã hội để truyền tải thông tin, hình ảnh sai sự thật, điều đó không những ảnh hưởng đến người bị hại về mặt tinh thần mà còn gây nhiều hệ luỵ, mong chính quyền sớm xác minh, xử lý nghiêm minh sự việc, để người dân trở về với cuộc sống bình thường.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội facebook liên tục xuất hiện tình trạng nhiều cá nhân sử dụng các tính năng để phát trực tiếp (livestream) hoặc chia sẻ bài viết, thông tin, hình ảnh có nội dung sai sự thật làm ảnh hưởng đến đời sống, tinh thần, ảnh hưởng cả việc kinh doanh, thiệt hại kinh tế của người bị xúc phạm.

Vừa qua, chúng tôi nhận được phản ánh từ bạn đọc về việc bà T.T.T (ngụ Gia Lai) không những vi phạm hợp đồng mua bán đất khi không thực hiện đúng về thời hạn thanh toán (sau cọc) mà còn sử dụng mạng xã hội facebook để livestream hoặc chia sẻ bài viết, thông tin, hình ảnh có nội dung sai sự thật làm ảnh hưởng đến đời sống, tinh thần của người bị xúc phạm.

Theo phản ánh, bà T. thực hiện nhiều hợp đồng mua bán đất có đặt cọc trước. Tuy nhiên, đến thời hạn thanh toán theo hợp đồng, bà T. liên tục kéo dài thời gian, thậm chí không chịu thanh toán tiếp số tiền theo hợp đồng mà còn “bỏ tiền thuê dân xã hội đòi lại cọc” và muốn được nhận sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) của người bán.

Điều đáng nói, câu chuyện bỏ cọc, sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin, hình ảnh có nội dung sai sự thật. Thậm chí “thuê xã hội đòi lại cọc”, quậy phá… đã làm ảnh hưởng đến đời sống, tinh thần của người bị xúc phạm… xảy ra nhiều ở Gia Lai.

Trước đó, bà P. (ngụ huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) cũng đã phải gửi đơn gửi đến nhiều cơ quan chức năng trong tỉnh về việc bị vợ chồng bà T. (ngụ Tp. Pleiku) nhiều lần dùng mạng xã hội facebook, zalo để lăng mạ, bôi nhọ danh dự trên cộng đồng mạng huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai.

Theo thông tin người viết có, bà P. cho biết phía bà T. còn thuê “xã hội đen” đến quậy phá, chửi bới, treo băng rôn bôi nhọ, xúc phạm danh dự và cưỡng đoạt 100 triệu đồng của bà P.

Chia sẻ với báo chí, bà P. cũng cho biết khoảng tháng 4/2023, bà có ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng thửa đất số 192, tờ bản đồ số 24, ở địa chỉ khu QH Suối Hội Phú, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai với giá mười ba tỷ đồng cho bà T., bà T. đã đặt cọc trước một tỷ đồng. Theo hợp đồng, hai bên thống nhất sau một tháng, bà T. sẽ thanh toán tiếp số tiền còn lại và tiến hành công chứng (có sự chứng kiến của văn phòng Thừa phát lại) nhưng bà T. đã tự ý bỏ về và không thực hiện giao dịch.

Sau đó, bà T. thuê một nhóm người đến nhà bà P. để đòi nợ một tỷ đồng tiền cọc và một tỷ đồng tiền phạt vi phạm hợp đồng. Nhóm người này đi nhiều xe, dùng băng rôn treo lên xe, dùng loa… để phát với nội dung cho rằng bà P. lừa đảo. Để “đổi lấy sự bình yên cho gia đình”, bà P. đã phải chuyển cho một người trong nhóm “đòi nợ” này một trăm triệu đồng. Tuy nhiên, những ngày tiếp theo nhóm này vẫn tiếp tục xuống nhà bà P. chửi bới lăng nhục, đòi nợ bà P. và gia đình bà với hơn sau 6 lần.

Được biết, bà P. đã nhiều lần gửi đơn tố giác, khiếu nại đến cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận điều tra và xử lý đơn tố giác của bà P.

Việc chậm trễ xử lý đơn thư khiếu nại, đơn tố giác dễ khiến người dân bức xúc. Sự chậm trễ này không những làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người khiếu nại mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và cả việc kinh doanh, thiệt hại kinh tế của người bị xúc phạm. Vì vậy, dư luận và người dân rất cần các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xác minh kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm.

Tây Nguyên