Nếu không được cộng điểm ưu tiên, khuyến khích, nhiều thủ khoa các khối vẫn có thể trượt đại học.
Tính đến 17h ngày 16/9, điểm chuẩn cao nhất thuộc về trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hoá), ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao với 30,5 điểm (năm ngoái ngành này lấy 29,25 điểm). Ngành này tuyển 15 chỉ tiêu theo các tổ hợp xét tuyển C00 (Văn, Sử, Địa), C19 (Văn, Sử, GDCD), C20 (Văn, Địa, GDCD) và D01 (Văn, Toán, tiếng Anh).
Ngành có điểm chuẩn cao thứ hai cả nước là Xây dựng lực lượng Công an nhân dân của Học viện Chính trị Công an nhân dân lên tới 30,34 điểm với nữ (khối C00). Cũng trong khối trường công an, ngành Nghiệp vụ An ninh (Học viện An ninh Nhân dân) lấy điểm chuẩn 29,99 với nữ.
Đứng thứ ba là ngành Hàn Quốc học của Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn với 30 điểm – đây là năm thứ 2 liên tiếp ngành này lấy điểm chuẩn 30.
Ở vị trí thứ tư là ngành Nghiệp vụ An ninh của Học viện An ninh nhân dân lấy điểm chuẩn 29,99 điểm với đối tượng nữ.
Một số ngành học khác của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn điểm trúng tuyển rất cao như: Quan hệ công chúng (tổ hợp C00) 29,3. Ngành Đông phương học tiếp tục “nóng” với mức điểm tổ hợp C00 là 29,8.
Có thể thấy, hầu hết những ngành học từ 29 đến trên 30 điểm năm nay đều thuộc về tổ hợp có các môn Văn, Sử, Địa, tiếng Anh. Với mức điểm như vậy, nhiều thí sinh dù đạt ba điểm 9 hay 10 đều chưa có khả năng đỗ nếu thiếu điểm cộng ưu tiên.
Trên thực tế, nếu so sánh mức điểm chuẩn của các ngành trên với điểm thủ khoa các khối trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 vừa qua, có thể thấy, nếu không được cộng điểm ưu tiên, các em vẫn trượt đại học.
Như ở tổ hợp C00, thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp đạt 29,25 điểm. Tuy nhiên, điểm chuẩn các ngành trên đều vượt ngưỡng từ 29,25 điểm trở lên. Khi đó, nếu thủ khoa khối C00 muốn đỗ các ngành này phải cộng ít nhất từ 0,5 đến 1,25 điểm.
Ở tổ hợp A01, điểm của thủ khoa là 29,55, tức nếu thí sinh muốn đăng ký vào ngành Nghiệp vụ an ninh của Học viện An ninh Nhân dân cũng cần đến điểm ưu tiên, khuyến khích để trúng tuyển.
Tương tự, ở tổ hợp D01, thủ khoa đạt 29,15 điểm, tức thấp hơn điểm chuẩn vào ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của Đại học Hồng Đức và ngành Nghiệp vụ an ninh của Học viện An ninh Nhân dân đối với thí sinh nữ ở địa bàn 1 và 2.
Liên quan tới mức điểm chuẩn “sốc” này, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, điểm chuẩn cao đột biến chỉ xảy ở một số ngành, chứ không phủ khắp tất cả các ngành và chương trình đào tạo.
Ông cho rằng, nguyên nhân điểm chuẩn đẩy lên cao là do chỉ tiêu ít, số lượng thí sinh đăng ký đông. Đặc biệt, các thí sinh dù điểm thi bằng nhau nhưng được cộng điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng chính sách theo quy định của Nhà nước khiến điểm tổng (sau khi cộng điểm ưu tiên, tối đa lên đến 2,5 điểm đối với thí sinh người thiểu số ở KV1) của các em vượt qua ngưỡng 30.
Điển hình như ngành Hàn Quốc học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành rất thấp, trong tổng số 50 chỉ tiêu thì 15 thí sinh được xét tuyển thẳng theo chứng chỉ quốc tế, giải thưởng quốc gia… còn lại 35 chỉ tiêu cho xét tuyển từ điểm thi THPT. Trong khi đó, số lượng nguyện vọng cao, gần 1.800 chỉ tiêu đăng ký vào ngành này, tỷ lệ 1 chọi 51, với tổ hợp C00 thì tỉ lệ cạnh tranh còn cao hơn.
Theo VTC/Hà Cường