Liên quan vụ việc này, ngoài tố cáo, ông Đinh Sĩ Trí (ngụ Q.Phú Nhuận, TPHCM) còn khởi kiện, được TAND H.Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận thụ lý từ giữa năm 2021. Vụ án được giao cho Thẩm phán Nguyễn Thanh Phương, sau đổi sang Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Trang giải quyết, lộ rõ nhiều bất thường. Những điểm “mờ” của bản án sơ thẩm số 07/2023/DS-ST (Bản án 07) ngày 22/5/2023 đã được TAND tỉnh Bình Thuận “soi” tại phiên tòa phúc thẩm…
- Vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa Công ty HN và Công ty B.: Lạ kỳ Luật sư… “cầm đèn chạy trước ôtô”
- Tiền Giang: Ngang nhiên bịt lối đi độc đạo của người dân
- Decox Kỷ niệm 10 năm thành lập cùng những con số ấn tượng
- Tổng Giám đốc công ty nước ngoài xin lỗi bác sĩ Việt Nam vì… “bất cẩn”!
- Diễn biến mới vụ: Ông chủ “làm ăn lớn” nợ như Chúa Chổm: Ông Huỳnh Lê Tấn Tuyến vào Sài Gòn trốn, lên tiếng hăm dọa, thách thức, rồi cắt đứt liên lạc
Từ hợp đồng “nhân bản”…
Trao đổi với phóng viên sáng 02/10/2023, ông Trí cho biết: “TAND tỉnh Bình Thuận mở phiên xét xử phúc thẩm ngày 12/9/2023. Sau khi công bố Bản án sơ thẩm số 07/2023/DS-ST ngày 22/5/2023 do Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Trang ấn ký, HĐXX phúc thẩm tập trung làm rõ các vấn đề theo đơn kháng cáo của tôi. Trong đó, mấu chốt chính là hợp đồng đặt cọc (HĐĐC) do tôi cung cấp, nhưng bị tòa sơ thẩm bác. Ngược lại, tòa công nhận HĐĐC do phía bị đơn (vợ chồng bà Hà Thị Tuyết và ông Đỗ Kỳ Công) cung cấp và tuyên cho bên này thắng kiện. Để có cơ sở xem xét khách quan, toàn diện vụ án, HĐXX phúc thẩm quyết định tạm dừng phiên tòa, để tiến hành giám định lại. Tôi tin tưởng chân tướng vụ việc sẽ được phơi bày”.
Nguyên đơn xác định: Chính bà Nguyễn Thị Chung (SN 1971, ngụ thôn Gò Dồn, xã Tân Thắng, H.Hàm Tân) là người môi giới cho ông Trí mua khu đất của bị đơn tại thôn Hồ Lân, xã Tân Thắng. Bà Chung đã nhắn tin cho ông Trí qua Zalo, xác định rõ khu đất: “2 héc 6 (2,6ha), giá 7 tỷ đồng, cách mặt biển cái động (đụn) cát, có mặt tiền bê-tông”. Khi ông Trí hỏi “cái đụn cát của ai hỏi luôn chị”, bà Chung trả lời: “Của gia đình chị đây, chưa có giấy tờ. Mình làm được. Mua rẻ làm luôn”.
Ngày 06/3/2020, ông Trí và bạn là ông Nguyễn Tấn Vương (SN 1975, ngụ Q.Bình Thạnh, TPHCM) có mặt tại thôn Hồ Lân, được bà Chung, bà Tuyết và bà Phan Thị Hoàng (SN 1965, ngụ thôn Hồ Lân) dẫn đi xem đất. Hai bà Tuyết – Hoàng chỉ ranh giới đất bằng các cọc bê-tông cắm sẵn, ông Trí xem xong, đồng ý mua toàn bộ khu đất với giá 6,7 tỷ đồng. Trong đó, diện tích đã được cấp giấy chứng nhận (sổ đỏ) 4.580m2, phần chưa được cấp sổ khoảng 2,19ha.
Sau khi thỏa thuận, 2 bên thống nhất ký tờ HĐĐC ngày 06/3/2020 tại nhà bà Chung, theo mẫu do bà Chung cung cấp. HĐĐC được in sẵn thành 2 bản (giống như hóa đơn, nhưng không có giấy than phía sau) trên tờ giấy màu trắng (liên trắng) và tờ giấy màu hồng (liên hồng). Phần nội dung viết trên tờ liên trắng sẽ được “nhân bản” sang tờ liên hồng.
Ông Trí xác định: “Tôi là người điền vào tờ HĐĐC liên trắng những thông tin do 2 bên cung cấp. Quá trình viết, do bị gạch xóa, sửa chữa nhiều chỗ nên tôi hủy bỏ, viết lại tờ HĐĐC mới, cũng do bà Chung đưa. Ngoài chữ ký của tôi và bà Tuyết, hai bà Chung – Hoàng cùng ký làm chứng vào HĐĐC. Ký xong, tôi giữ tờ HĐĐC liên trắng, bà Tuyết giữ tờ HĐĐC liên hồng”.
HĐĐC ghi rõ: “Bán đất trong sổ (có sổ đỏ) 4.580m2 và ngoài sổ (chưa có sổ đỏ) 2,19ha trồng điều và tràm keo”.
Lúc đầu, bị đơn nộp cho tòa tờ HĐĐC liên trắng, bị gạch, sửa nhiều chỗ, thể hiện chỉ bán 4.580m2 đất; không có nội dung “bán đất trong sổ và ngoài sổ…”. Bị đơn khai, liền kề 4.580m2 đất là phần đất khoảng 10.000m2 (1ha) của bị đơn mua giấy tay năm 1998, chưa được cấp sổ đỏ nên không thể nào có 2,19ha để bán ông Trí.
Quá trình tố tụng, bà Hoàng bất ngờ trưng ra 1 tờ HĐĐC liên hồng, quả quyết là “nhân bản” từ tờ HĐĐC liên trắng của bà Tuyết. Phía bị đơn cho rằng HĐĐC được lập thành 4 bản, mỗi bên giữ 2 bản (gồm 1 tờ liên trắng và 1 tờ liên hồng). HĐXX nhận định: Tờ HĐĐC bà Hoàng nộp là “bản sao” của tờ HĐĐC do bị đơn cung cấp (?!)
… Đến lời khai “sáng nóng, chiều lạnh”
Nguyên đơn trình bày tiếp: Để tuyên bị đơn thắng kiện, ngoài công nhận HĐĐC “liên trắng, liên hồng” do bà Tuyết và bà Hoàng nộp, HĐXX còn căn cứ vào lời khai “nóng, lạnh” của 2 nhân chứng có mối quan hệ thân thiết với bà Tuyết. Phía bị đơn cũng có lời khai bất nhất.
Ngày 20/11/2021, bà Chung có “đơn trình bày” gửi tòa, xác định: “Ông Vương (đi chung với ông Trí) là người trực tiếp viết các thông tin vào mẫu HĐĐC”.
Bà Hoàng cũng có “đơn trình bày” ngày 20/11/2021, xác định: “Tại nhà, bà Chung mang ra một quyển sổ có in sẵn mẫu HĐĐC gồm nhiều tờ giống nhau. Ông Vương là người trực tiếp viết các thông tin vào mẫu HĐĐC… Sau khi Ông Vương điền hoàn tất các thông tin trên 2 tờ mẫu HĐĐC thì đưa cho ông Trí và bà Tuyết ký tên. Tôi và bà Chung cũng ký tên làm chứng trong cả 2 HĐĐC. Sau đó, 2 HĐĐC được chia cho ông Trí và bà Tuyết, mỗi người giữ một bản”.
Trước đó, bà Tuyết có “bản ý kiến” đề ngày 17/6/2021, một mực khẳng định: “Ông Vương là người viết vào HĐĐC”.
Được TAND H.Hàm Tân mời làm việc với Thẩm phán Nguyễn Thanh Phương ngày 18/02/2022, bà Chung và bà Hoàng cùng tái khẳng định: Ông Vương là người trực tiếp viết vào mẫu HĐĐC. Khai rõ ràng như thế nhưng tại buổi làm việc với tòa ngày 04/7/2022, khi Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Trang gợi ý đặt lại câu hỏi, 2 nhân chứng “hè nhau” đổi lời khai, cho rằng, HĐĐC do “phía ông Trí” viết (?!).
Vợ chồng bà Tuyết cũng đổi lời khai khi làm việc với Thẩm phán Trang ngày 27/02/2023, cho rằng: “Ông Trí tự viết và tự lấy bút của mình để viết” (?!).
Theo nguyên đơn, việc bị đơn và nhân chứng đồng loạt thay đổi lời khai như một “kịch bản” đã dựng sẵn, theo hướng có lợi cho bị đơn.
Rồi bị “bắt bài”(!)
Nguyên đơn trình bày: HĐĐC nêu rõ: “Hợp đồng được lập thành 2 bản, mỗi bên giữ 1 bản có giá trị như nhau”. Vậy mà khi bị đơn biến 2 thành 4 bản HĐĐC, Thẩm phán Trang cũng đồng ý! Cả bị đơn và nhân chứng hè nhau đổi lời khai, Thẩm phán Trang cũng chấp nhận tuốt!
Trong khi đó, nhìn mắt thường cũng thấy 2 tờ HĐĐC của bị đơn và bà Hoàng khác nhau nhiều điểm. Cụ thể: Tờ HĐĐC liên trắng có nội dung”nếu chuẩn bị tiền sớm hơn thì bên B thông báo bên A đi công chứng”, nhưng tờ liên hồng không có. Ngược lại, tờ HĐĐC liên hồng thể hiện rõ dòng chữ “đại diện bên bán (Bên A)”, nhưng tờ liên trắng không đọc được. Chữ ký của nhân chứng Chung trên trên 2 tờ HĐĐC khác nhau… Lạ thay, HĐXX sơ thẩm lại chấp nhận HĐĐC “nhân bản” này (?!). Ngược lại, HĐXX bác HĐĐC do nguyên đơn nộp vì phần nội dung “bán đất trong và ngoài sổ…” không phải viết ra từ 1 loại mực và cùng 1 cây viết so với các chữ còn lại trên HĐĐC. Mặt khác, nguyên đơn cũng không có tờ “nhân bản” để đối chiếu.
Ông Trí lý giải: “HĐĐC được lập tại nhà bà Chung, lúc đó có nhiều cây bút khác nhau trên bàn. Tôi cũng có 1 cây bút. Sau khi hủy bỏ HĐĐC do sửa chữa nhiều, tôi viết tờ HĐĐC mới. Viết xong, tôi đọc lại cho mọi người nghe. Phát hiện có thiếu sót, tôi cầm 1 cây bút ngẫu nhiên, viết thêm nội dung: “bán đất trong và ngoài sổ…”. Có thể viết 2 cây bút khác nhau nên không cùng màu mực”.
Nguyên đơn lên tiếng: Việc sử dụng nhiều cây bút mực khác nhau không ảnh hưởng nội dung HĐĐC, bởi khi viết lên tờ liên trắng bằng loại bút nào thì sẽ “nhân bản” trên tờ liên hồng. Theo giao kết ghi rõ trong HĐĐC, mỗi bên giữ 1 bản, ông Trí giữ tờ liên trắng, đương nhiên tờ liên hồng do bị đơn giữ, nhưng không giao nộp cho tòa đối chiếu nên chưa có cơ sở kết luận. Việc bị đơn “nạy” ra HĐĐC lập thành 4 bản hoàn toàn không có căn cứ.
Được HĐXX phúc thẩm cho “mục sở thị” 2 HĐĐC của bị đơn và bà Hoàng nộp, nguyên đơn càng có cơ sở đề nghị cho trưng cầu giám định, đồng thời làm rõ những điểm bất thường đối với HĐĐC “nhân bản” này.
Ngoài ra, trong suốt quá trình sơ thẩm, bị đơn cho rằng, bà Chung đưa ra mẫu HĐĐC, còn bút do ông Trí dùng bút của mình để viết. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc phẩm, phía bị đơn bị “bắt bài” khi xác định bà Chung cũng có 1 cây viết. Như vậy, có ít nhất 2 cây bút tại thời điểm ông Trí điền vào HĐĐC.
Với nhiều tình tiết mới, HĐXX phúc thẩm quyết định tạm dừng phiên tòa để tiến hành thủ tục trưng cầu giám định lại theo đề nghị của nguyên đơn.
Theo Văn Cương/ Báo Công an TPHCM