“Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định (BĐSG – GĐ), nơi gìn giữ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa”, đó là là ý kiến của ông Trần Thế Thuận – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM tại cuộc họp ngày 29/5/2023, thẩm định các điều kiện thành lập Bảo tàng BĐSG – GĐ. Theo Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TPHCM Lê Tú Cẩm, đây là bảo tàng ngoài công lập (tư nhân) có ý nghĩa rất đặc biệt, một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, gắn với lực lượng Biệt động Sài Gòn lừng lẫy một thời…
Gia đình cách mạng lập… bảo tàng Biệt động
Ngày 21/6/2023, Giám đốc (GĐ) Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Trần Thế Thuận ký quyết định cấp phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập tại TPHCM. Quyết định nêu rõ: Cho phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập tại số 145 Trần Quang Khải, P.Tân Định, Q.1, TPHCM với tên gọi “Bảo tàng BĐSG – GĐ”. Bảo tàng hoạt động theo quy định tại Thông tư 18/2010/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2010 của Bộ VHTT và Du lịch “quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng” và theo các quy định pháp luật có liên quan. Bảo tàng chịu sự quản lý Nhà nước của Sở VHTT, chính quyền địa phương nơi hoạt động.
Trước đó, ngày 29/5/2023, GĐ Trần Thế Thuận đã chủ trì cuộc họp thẩm định các điều kiện thành lập Bảo tàng BĐSG – GĐ, với sự tham dự của lãnh đạo các ngành, đơn vị chức năng và ông Trần Trọng Nghĩa – GĐ Công ty TNHH Bảo tàng BĐSG – GĐ (đơn vị lập hồ sơ xin phép hoạt động bảo tàng). Ông Nghĩa là cháu nội của Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế) – một chiến sĩ BĐSG.
Đại diện Công ty TNHH Bảo tàng BĐSG – GĐ trình bày các nội dung liên quan đến đề án hoạt động của bảo tàng.
Về địa điểm: Ngôi nhà đề nghị làm bảo tàng xây dựng năm 1963, từng là Nghiệp đoàn đóng mới, sửa chữa xích lô và Nghiệp đoàn trang trí nội thất do ông Mai Hồng Quế gầy dựng. Địa điểm này hoạt động với vỏ bọc là cơ sở gia công đồ nội thất cho Dinh Độc Lập, cũng là địa điểm phục vụ công tác trao đổi thông tin, tài liệu và đóng góp vật chất, thuốc men… của lực lượng BĐSG. Ngôi nhà này thuộc quyền sở hữu của bà Đoàn Dương Thái Anh (mẹ của ông Nghĩa) và bà Đặng Thị Thiệp (Đặng Thị Tuyết Mai – bà nội ông Nghĩa).
Về trưng bày: Bảo tàng thực hiện số hóa hiện vật, tư liệu để khách tham quan tra cứu thông tin. Kho hiện vật được bố trí nhiều địa điểm khác nhau tại các địa chỉ của BĐSG và Củ Chi.
Về tài chính: Công ty bảo đảm nguồn kinh phí để vận hành hoạt động bảo tàng, trong đó có việc bán vé, tổ chức tour cho khách tham quan khi đến các địa điểm của BĐSG – GĐ (riêng học sinh giảm 50% giá vé).
Trên cơ sở đề án và báo cáo của Công ty TNHH Bảo tàng BĐSG – GĐ, các thành viên họp thẩm định đã tiến hành khảo sát cơ sở vật chất, công trình đề xuất làm bảo tàng, tham quan phòng trưng bày…
Những ý kiến tâm huyết, xác đáng
Tại cuộc họp thẩm định, ông Hoàng Nghị – Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở VHTT TPHCM) – nêu ý kiến: Qua xem xét hồ sơ, việc xác nhận điều kiện hoạt động và cấp phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập thực hiện theo Điều 49 Luật Di sản văn hóa. Theo đó, để thành lập bảo tàng phải bảo đảm 3 điều kiện: có sưu tập theo một hoặc nhiều chủ đề; có nơi trưng bày, kho và phương tiện bảo quản; có người am hiểu chuyên môn phù hợp với hoạt động bảo tàng.
Về thẩm quyền, thủ tục xác nhận điều kiện hoạt động và cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập thực hiện theo Điều 50 (sửa đổi, bổ sung) Luật Di sản văn hóa; Điều 2 Nghị định số 01/2012/NĐ-CP ngày 04/01/2012 của Chính phủ. Về tổ chức và hoạt động của bảo tàng ngoài công lập thực hiện theo Thông tư số 18/2010/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2010 của Bộ VHTT và Du lịch. Các điều kiện, tiêu chí nêu trên bảo đảm cho việc thành lập bảo tàng ngoài công lập của Công ty TNHH Bảo tàng BĐSG – GĐ.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hường – Phó GĐ Trung tâm Bảo tồn di tích TPHCM – cho biết: “Tôi thống nhất với đề án thành lập Bảo tàng BĐSG – GĐ. Về thủ tục hồ sơ thành lập bảo tàng ngoài công lập, Phòng Quản lý di sản văn hóa đã hướng dẫn cho công ty. Vừa qua Trung tâm Bảo tồn di tích và Phòng Văn hóa thông tin Q.1 đã tiến hành kiểm kê hiện vật tại tòa nhà”.
Ông Nguyễn Võ Cường – Trưởng phòng Lý luận chính trị – Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy – nêu ý kiến: Theo đề án hoạt động của bảo tàng nên thêm các địa điểm khác của BĐSG, bảo tàng đặc sắc nếu được công nhận là biểu tượng của TP. Hình ảnh di tích BĐSG rất sống động, việc đề xuất thành lập bảo tàng là có sự kế tục của các thế hệ trong gia đình từ anh Trần Vũ Bình (con Anh hùng Trần Văn Lai) bàn giao cho con trai Trần Trọng Nghĩa để tiếp tục phát huy giá trị di sản lịch sử văn hóa. Về tên gọi bảo tàng, đề nghị có văn bản thống nhất của các cô chú Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến là cơ sở pháp lý đủ điều kiện thành lập bảo tàng.
Theo bà Lê Tú Cẩm – Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP, đây là bảo tàng đặc thù, có sự tiếp nối. Thân sinh của GĐ Trần Trọng Nghĩa là anh Trần Vũ Bình rất tâm huyết với các địa điểm BĐSG, em của GĐ Nghĩa là cháu Trần Trọng Nhân (12 tuổi) cũng thuyết minh khi có khách tham quan bảo tàng, tức là yếu tố gia đình được tiếp nối truyền thống. Cả gia đình tâm huyết, có niềm tin bền vững để giữ gìn di sản lịch sử, lưu giữ những hiện vật về BĐSG. Khi hình thành bảo tàng sẽ có rất nhiều việc cần hoàn thiện, từ trưng bày hiện vật nào cho phù hợp đến số hóa hiện vật, hoạt động nhân chứng giao lưu với khách tham quan… Trong hướng tới, các di tích của BĐSG sẽ hình thành nhiều tour để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước.
Đại tá Trần Đức Thơ – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối vũ trang Biệt động quân khu SG-GĐ – nhấn mạnh: “Các di tích của BĐSG hình thành góp phần giáo dục truyền thống lâu bền, là địa chỉ để các cơ quan đơn vị đến tổ chức lễ kết nạp Đảng tại đây và được giao lưu nói chuyện với nhân chứng lịch sử. Tôi ủng hộ việc thành lập bảo tàng và chúng tôi sẽ hỗ trợ, huy động hiện vật, nhân chứng để bảo tàng tiếp tục phát huy di sản lịch sử đến công chúng”.
Tiếp đó, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Nguyễn Quốc Độ nêu quan điểm về tên của bảo tàng: “Câu lạc bộ đã có văn bản thống nhất tên gọi theo đề nghị của bà Đặng Thị Thiệp. Chúng tôi thống nhất cao tên Bảo tàng BĐSG – GĐ”.
GĐ Sở VHTT Trần Thế Thuận kết luận: Việc đề xuất thành lập bảo tàng ngoài công lập theo đề nghị của Công ty TNHH Bảo tàng BĐSG – GĐ là góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, thể hiện ý thức chính trị của gia đình, của Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối vũ trang Biệt động Quân khu SG-GĐ. Đây cũng là điểm tham quan về di tích lịch sử của TP.
GĐ Sở VHTT Trần Thế Thuận đề nghị công ty tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên tham dự họp để chỉnh sửa tiếp tục hoàn thiện đề án.
Sau khi Công ty TNHH Bảo tàng BĐSG – GĐ bổ sung theo yêu cầu, ngày 07/6/2023, GĐ Trần Thế Thuận ký văn bản số 2030/SVHTT-QLDSVH, nêu rõ: Đối chiếu theo các quy định hiện hành, ông Trần Trọng Nghĩa hội đủ các điều kiện để thành lập bảo tàng và hoạt động bảo tàng ngoài công lập.
Tiếp nhận quyết định của Sở VHTT cấp phép hoạt động Bảo tàng BĐSG – GĐ, Đại tá Trần Đức Thơ, bày tỏ vui mừng: “Đây là khởi đầu tốt đẹp! Bảo tàng BĐSG – GĐ cùng với hệ thống các bảo tàng trên địa bàn TPHCM, đặc biệt là các bảo tàng về chiến tranh cách mạng sẽ góp phần tích cực vào việc giáo dục lịch sử một cách sinh động đối với thế hệ trẻ, cùng đông đảo công chúng. Bảo tàng hướng đến mục tiêu bảo tồn giá trị di sản văn hóa “yêu nước, mưu trí, sáng tạo, kiên trung, bất khuất” của lực lượng BĐSG “xuất quỷ nhập thần”. Bảo tàng sẽ trở thành điểm tham quan du lịch trong bản đồ du lịch của TP…”.
Theo Báo Công an TP.HCM/THÀNH LUÂN – VĂN CƯƠNG