Đội ngũ y tế ở các tỉnh phía Nam đang gồng mình đối phó đại dịch diễn biến phức tạp. Nhưng những robot giúp vệ sinh khử khuẩn, vận chuyển nhu yếu phẩm từng phát huy hiệu quả ở Bắc Giang, Hà Nội chưa được trọng dụng.
3 robot của Phenikaa-X vừa hoàn thành nhiệm vụ ở Bắc Giang, sẵn sàng vào miền Nam chi viện tuy nhiên, khó khăn đầu tiên là chi phí vận chuyển
ROBOT “MAKE IN VIETNAM” GHI ĐIỂM
Từ năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tại Việt Nam, nhóm R&D của Viện nghiên cứu công nghệ Phenikaa và trường đại học Phenikaa, Tập đoàn Phenikaa bắt tay vào nghiên cứu, sản xuất thành công robot có khả năng khử khuẩn để giảm bớt sức người và sự nguy hiểm trong việc phun khử khuẩn bệnh viện, toà nhà, khu vực cách ly…
Ngày 1/6, 3 robot khử khuẩn Phenikaa-X đầu tiên lên đường tới tâm dịch Bắc Giang nhằm hỗ trợ địa phương này phòng, chống dịch Covid-19. Robot khử khuẩn kết hợp 2 phương pháp khử khuẩn UVC và hoá chất giúp triệt tiêu vi khuẩn, giảm bớt việc lây lan dịch bệnh với khả năng đi lại linh động, có thể điều khiển từ xa hoặc lập trình sẵn cho một cung đường khử khuẩn nhất định. Robot còn có thể làm việc cả trong đêm tối, tự động khử khuẩn trường học, siêu thị, bệnh viện, thậm chí nhiều robot có thể cùng làm việc một lúc.
Ông Lê Anh Sơn, Giám đốc công ty Phenikaa-X cho biết, robot khử khuẩn có thể đảm nhận nhiệm vụ hỗ trợ phòng, chống dịch tại Bắc Giang với những nhiệm vụ chính như vận chuyển các nhu yếu phẩm, giám sát người bệnh và người được cách ly thông qua các camera theo dõi. Robot có khả năng tự hành hoàn toàn và tránh các va chạm bằng cách sử dụng công nghệ Lidar, có tích hợp trí tuệ nhân tạo để nhận diện và nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang, đo thân nhiệt cùng hàng loạt tính năng ưu việt khác. Ông Sơn chia sẻ nhóm nghiên cứu liên tục bổ sung tính năng cho robot như cập nhật bản đồ, trí tuệ nhân tạo AI. Nhóm có kỹ sư trực tiếp đến cài đặt, hướng dẫn sử dụng đồng thời cũng giám sát và điều khiển từ xa hoạt động của robot đem đến hiệu quả hoạt động cao nhất.
Theo ông Sơn, chi phí nghiên cứu, sản xuất cho 1 robot khoảng 1 tỷ đồng. Trong đợt dịch bệnh, các sản phẩm được chuyển giao miễn phí cho các bệnh viện để kịp thời chống dịch. Giám đốc công ty Phenikaa-X cho biết hiện tại 3 robot hoàn thành xong nhiệm vụ ở bệnh viện dã chiến Bắc Giang và trở về Hà Nội, sẵn sàng phục vụ cho các địa phương khác khi cần thiết.
Trong đợt dịch vừa qua, ngoài robot khử khuẩn, một loại robot khác của người Việt chế tạo có thể hỗ trợ phòng chống dịch là Vibot-2, thay nhân viên y tế vận chuyển thuốc, đồ ăn, nhu yếu phẩm cho người bệnh trong khu cách ly Covid-19. Đây là phiên bản được Học viện Kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc phòng) ứng dụng tại Bệnh viện Bắc Thăng Long, Hà Nội hồi tháng 4/2020 và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (Phủ Lý, Hà Nam) hồi tháng 5/2021.
Vibot-2 vận chuyển đồ ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm… từ ngoài vào trong khu vực cách ly, đến từng phòng bệnh nhân. Sau đó robot vận chuyển rác thải, đồ dùng bẩn từ các buồng bệnh ra vị trí tập kết bên ngoài. Ngoài chức năng vận chuyển, robot còn có đường truyền thông tin giao tiếp riêng với trung tâm giám sát, điều khiển. Với chức năng này, người bên ngoài khu vực cách ly có thể giao tiếp từ xa với bệnh nhân bên trong khu vực cách ly bằng hình ảnh, âm thanh chất lượng cao.
VÌ SAO CHƯA ĐƯỢC TRỌNG DỤNG?
Trong đợt cao điểm chống dịch ở các tỉnh miền Bắc trước đó, robot của Phenikaa-X hay Vibot-2 của Học viện Kỹ thuật Quân sự cho thấy tính hữu dụng lớn khi hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ tỏ ra quá tải bởi khối lượng công việc lớn. Theo ông Lê Anh Sơn, 1 robot Phenikaa-X có sức làm việc tương đương 5-7 nhân viên y tế, có thể hoạt động liên tục với cường độ cao và đặc biệt giảm rủi ro nhiễm bệnh cho con người.
Ở lĩnh vực công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế phối hợp huy động nguồn lực của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này để cùng công tác phòng chống dịch bệnh. Tuy vậy, việc điều phối các robot cho các địa bàn trong nước phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất và nhu cầu của các bệnh viện, cơ sở y tế. Vì thế, nguồn lực để phát triển robot hỗ trợ phòng chống dịch rất hạn chế.
Ông Sơn cho biết 3 robot của Phenikaa-X vừa hoàn thành nhiệm vụ ở Bắc Giang, sẵn sàng vào miền Nam chi viện. Tuy vậy, khó khăn đầu tiên là chi phí vận chuyển robot. “Mỗi robot nặng hơn 200 kg, cần di chuyển bằng container để vào TP.HCM. Chi phí không nhỏ khi phải đi vào rồi lại đi ra, đặc biệt là khi các robot đều đang thực hiện nhiệm vụ chính là phục vụ cộng đồng”, Giám đốc Phenikaa-X chia sẻ. Tương tự, khoảng 10 robot Vibot-2 cũng “chưa có đất dụng võ” ở khu vực dịch bệnh căng thẳng phía Nam.
Các điều kiện đảm bảo để robot hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 hoạt động cũng không khó khăn. Robot có thể vận hành ở các bệnh viện thông thường với hành lang kích thước tiêu chuẩn. Khu vực di chuyển, khung giờ làm việc có thể linh hoạt lựa chọn dễ dàng.
Theo ông Sơn, nguyên nhân quan trọng khiến robot chưa được trọng dụng trong công tác phòng chống dịch ở Việt Nam là do thói quen sử dụng của các đơn vị, doanh nghiệp trong chính hoạt động thường ngày. “Robot ít nơi sử dụng ở những nơi công cộng như sân bay, bệnh viện, trường học, khu bán hàng… Thị trường dân dụng rất kém phát triển dẫn tới nhu cầu robot chưa nở rộ tại Việt Nam. Mọi người chưa từng dùng nên không thấy được hết sự tiện dụng của robot.
Ở nước ngoài, robot được dùng rất nhiều nên quan điểm, cách nhìn nhận của cá nhân cũng như tổ chức về sự tiện ích do robot đem lại cũng rất khác. Kinh phí đầu tư ban đầu có thể cao nhưng nếu tính về lâu dài, sử dụng robot sẽ tiết kiệm rất lớn”, ông Sơn kết luận.
Theo Bizlive.vn